Những tấm lòng khuyến học
Năm 2020 đi qua đánh dấu bước trưởng thành của Hội Khuyến học tỉnh sau 20 năm thành lập. Với mảnh đất giàu truyền thống như Bắc Ninh, chăm lo khuyến học, khuyến tài từ lâu đã trở thành ý thức, trách nhiệm của nhiều gia đình, dòng họ và cộng đồng xã hội. Hoạt động đó chuẩn mực hơn kể từ khi thành lập Hội Khuyến học các cấp... Cũng từ khi có tổ chức Hội các cấp, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều hơn những tấm gương nặng lòng với công tác khuyến học, khuyến tài.
Lãnh đạo T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam vinh danh những điển hình trong phong trào khuyến học, khuyến tài (tháng 9-2020).
Nhà giáo Ưu tú Lê Nho Nùng, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh giai đoạn 2011-2016 từng nhận định, Hội khuyến học là hội đặc thù nhất trong các hội đặc thù. Vì bản chất các hội là chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, riêng Hội Khuyến học chỉ có mục tiêu duy nhất là chăm lo khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Hội viên khi tham gia tổ chức không có lợi ích riêng, chủ yếu là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, bởi vậy chúng ta càng phải trân trọng, xem họ như những tấm lòng với khuyến học.
Chính NGƯT Lê Nho Nùng, những năm làm khuyến học không ít lần rơi nước mắt trước hoàn cảnh éo le cùng nghị lực vượt khó của biết bao tấm gương trong giảng dạy và học tập. Hội Khuyến học tỉnh do ông làm Chủ tịch vì thế trở thành điểm tựa tin cậy giúp nâng cánh những ước mơ, khát vọng nhiều tấm gương vượt khó vươn lên. Tết này, NGƯT Lê Nho Nùng vào tuổi 80, ông thực sự là tấm gương sáng, một nhà giáo mẫu mực, một tấm lòng với khuyến học Bắc Ninh.
Nói đến những tấm lòng khuyến học ở Bắc Ninh, không thể không nhắc đến người thầy lớn, NGND Nguyễn Tiến Chấn, cựu Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số 1. Năm 1990, thầy Chấn được nghỉ chế độ, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc khi ấy là đồng chí Ngô Đình Loan đã đề nghị thầy tham gia công tác khuyến học xã Song Hồ. Đáp lại thiện chí cấp trên, người thầy giáo tâm - tài Nguyễn Tiến Chấn đã dồn hết tâm huyết xây dựng xã Song Hồ thành đơn vị đầu tiên và là điểm sáng toàn Hà Bắc về công tác khuyến học, khuyến tài.
Năm 2000, huyện Thuận Thành thành lập Hội Khuyến học, lại vẫn thầy Nguyễn Tiến Chấn được đề nghị làm Chủ tịch Hội. Đồng chí Ngô Đình Loan, khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nói đại ý: Ông Chấn sinh ra là để làm giáo dục và khuyến học... Quả vậy, hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội khuyến học huyện, Thuận Thành được cả nước biết đến là vùng đất học tiêu biểu xứ Kinh Bắc. Cũng vì là điểm sáng tiêu biểu toàn quốc, Hội Khuyến học Thuận Thành vinh dự được tiếp đón nhiều tổ chức khuyến học khắp trong Nam, ngoài Bắc đến giao lưu, học tập kinh nghiệm. NGND Nguyễn Tiến Chấn chính là người đã thắp sáng ngọn lửa khuyến học rồi truyền cảm hứng để ngọn lửa ấy lan tỏa khắp nơi. Tết này, người thầy đáng kính ấy bước sang tuổi đại thọ (90 tuổi).
Vốn là học trò cũ của thầy Chấn, những năm làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Yên Phong (Chủ tịch là lãnh đạo huyện kiêm nhiệm), nhà giáo Đỗ Văn Liễn cũng phát huy hết khả năng cùng tâm huyết đưa Yên Phong trở thành điểm sáng toàn quốc trong công tác khuyến học, khuyến tài. Có thể nói, ngay việc đề nghị thầy Liễn làm công tác khuyến học cũng cho thấy lãnh đạo huyện biết “chọn mặt gửi vàng”. Thầy Đỗ Văn Liễn người Phú Mẫn, những năm đất nước còn chiến tranh, với cương vị Hiệu trưởng trường cấp 2 Hàm Sơn (nay là THCS thị trấn Chờ), thầy Liễn đã truyền cảm hứng dạy và học, xây dựng trường trở thành điển hình mẫu mực toàn Hà Bắc và miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Riêng tại Phú Mẫn, học sinh ngoài học tốt còn tích cực tham gia phong trào chăm sóc trâu bò béo khỏe giúp Hợp tác xã có đủ sức kéo cùng nhiều việc làm thiết thực khác đã tạo được sức lan tỏa rộng lớn, được Bác Hồ viết thư khen đúng ngày sinh nhật của Người (19-5-1969)... Năm 2016, khi bước sang tuổi 80, thầy Đỗ Văn Liễn mới thực sự được nghỉ ngơi.
Kế nhiệm thầy Đỗ Văn Liễn là một học sinh cũ của ông - nhà giáo, nhà báo Nghiêm Đình Thường. Ngoài thừa hưởng những phẩm chất cao quý của thầy Liễn, nhà giáo Nghiêm Đình Thường với kiến thức sâu rộng cùng lòng nhiệt thành với sự nghiệp trồng người quê hương cũng trở thành tấm gương sáng được mọi người hết mực kính trọng. Tết này, nhà giáo Nghiêm Đình Thường bước sang tuổi 76, ngoài công việc Phó Chủ tịch Thường trực Hội khuyến học huyện, ông được ví như người chép sử của quê hương Yên Phong, thể hiện qua rất nhiều đầu sách được xuất bản.
Không thể biên hết những gương sáng, nặng lòng với sự nghiệp khuyến học của quê hương, hay đơn giản trong mỗi gia đình, dòng họ. Tuy nhiên chỉ qua mấy con số thống kê cũng đủ thấy tại Bắc Ninh, khuyến học đang sống trong lòng dân và người người cùng thi đua làm khuyến học. Theo đồng chí Nguyễn Bá Cự, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 390 nghìn hội viên khuyến học các cấp, chiếm 31,3% dân số tỉnh Bắc Ninh. Ngoài Hội Khuyến học tỉnh, huyện, xã, Bắc Ninh có 1.624 chi hội và 4.344 ban khuyến học. Năm 2020, toàn tỉnh có hơn 198 nghìn gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, chiếm 65,5%; 5.431 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập, chiếm 70%; 645 cộng đồng được công nhận danh hiệu cộng đồng học tập, chiếm 86,5%; 645 đơn vị được công nhận danh hiệu đơn vị học tập, chiếm 92%...
Thật vui mừng khi biết, đến cuối năm 2020, tổng quỹ khuyến học toàn tỉnh đạt 143 tỷ đồng, tăng 51 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Số tiền đó chủ yếu được gửi tiết kiệm trong ngân hàng và sử dụng tiền lãi hàng năm để tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu xuất sắc trong giảng dạy, học tập và lao động sản xuất, những người đã mang vinh quang về quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc thân yêu.
Xin kết thúc bài viết bằng nhận xét của GS-TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, hiện là Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, khi về Bắc Ninh dự hội nghị khuyến học (tháng 9-2020): “Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất nước, rất nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản nhưng lại đặc biệt giàu có về tài nguyên tri thức, tài nguyên con người, điều này bắt nguồn từ truyền thống khoa bảng nghìn năm… Tài nguyên khoáng sản rồi sẽ cạn kiệt, nhưng tài nguyên tri thức, tài nguyên con người thì có thể trao truyền còn mãi. Đây là niềm tự hào lớn lao của vùng đất học Bắc Ninh - Kinh Bắc, vì thế mọi người càng phải phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh...”